Ý cầu cứu
Chỉ trong vỏn vẹn 3 ngày từ 11 - 13.9,ảiphápnàochocuộckhủnghoảngdicưởchâuÂketqua.nét đã có gần 10.000 người di cư trên 199 tàu cập bến đảo Lampedusa nhỏ bé của Ý, cao hơn cả số dân trên đảo này. Thậm chí, có tới 6.000 người di cư tập trung trong một cơ sở dành cho 600 người trên đảo. Số người di cư tập trung quá đông khiến giới chức Lampedusa phải cầu cứu chính phủ Ý, kêu gọi nhanh chóng hỗ trợ di chuyển bớt những người này ra khỏi đảo.
Giới chức Ý lại yêu cầu EU chia sẻ gánh nặng vì không muốn trở thành "trại tị nạn của châu Âu". Thủ tướng Ý Giorgia Meloni còn chỉ trích Đức tài trợ cho các tàu cứu hộ từ thiện hoạt động ở trung Địa Trung Hải, tuyến vượt biển nguy hiểm nhất thế giới đối với người di cư; đồng thời đề nghị các tàu từ thiện mang cờ nước ngoài nên bị buộc phải thả những người di cư về quê hương của họ theo quy định của EU.
Lampedusa là đảo nằm giữa Tunisia, Malta và đảo Sicily của Ý. Năm 2023, tuyến đường trung tâm đi qua Lampedusa đã trở thành tuyến đường phổ biến nhất đối với những người di cư muốn đến châu Âu qua Địa Trung Hải.
Kênh France24 dẫn dữ liệu chính thức cho thấy tính đến thời điểm hiện tại của năm nay, số lượng người di cư đến Ý đã vượt hơn 133.000, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Nếu xu hướng này tiếp tục duy trì, lượng người di cư đổ về Ý có thể chạm mức cao kỷ lục khoảng 181.500 người vào năm 2016. Trong khi đó, dữ liệu từ Frontex cho thấy EU đã phải đối mặt với việc số lượng người di cư bất thường qua tuyến đường trung tâm Địa Trung Hải đến Ý gia tăng 96% trong năm nay.
Ngày 28.9, Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 2.500 người đã thiệt mạng hoặc mất tích khi vượt Địa Trung Hải trong năm 2023. Trong đó, UNICEF cho biết ít nhất 990 người di cư đã chết hoặc mất tích trong các cuộc vượt biển trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8, gấp 3 lần con số được ghi nhận cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, trong đó có ít nhất 289 trẻ em đã thiệt mạng. UNICEF cảnh báo Địa Trung Hải đã trở thành "nghĩa trang cho trẻ em và tương lai của chúng".
Đại diện Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) đã tuyên bố rằng tình hình trên đảo Lampedusa đã trở nên nghiêm trọng, do đó, kêu gọi thiết lập cơ chế khu vực thống nhất về thủ tục cập bến và bố trí lại những người di cư đến Ý bằng đường biển trên khắp EU.
Biện pháp ứng phó
Vấn đề di cư không chỉ là thách thức lớn đối với chính quyền của Thủ tướng Giorgia Meloni mà còn là khó khăn lớn của châu Âu trong nhiều năm nay, gây chia rẽ lớn nhất trong toàn khối và đòi hỏi cần phải có cách ứng phó chung để giải quyết đến tận gốc rễ của vấn đề.
Vụ việc hàng nghìn người di cư đổ bộ lên đảo Lampedusa nhỏ bé của Ý vừa qua đã cho thấy những rạn nứt, những bất đồng của EU nhưng cũng cho thấy cách thức mà các nhà lãnh đạo và các quốc gia thành viên trong khối cùng ngồi lại và nỗ lực để giải quyết vấn đề nóng bỏng này. Tín hiệu đáng mừng là sau những bất đồng giữa một số quốc gia thành viên EU, Hiệp ước về Di cư và Tị nạn sửa đổi đã có những bước tiến vượt bậc.
Phát biểu sau hội nghị Bộ trưởng Nội vụ các nước EU tổ chức vào ngày 28.9 tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Fernando Grande-Marlaska cho biết "phần lớn các quốc gia thành viên" đã đồng ý với cách tiếp cận thỏa hiệp, "không có trở ngại chính" nào và EU đã sẵn sàng nhất trí với các quy định mới trong Hiệp ước về Di cư và Tị nạn sửa đổi. Thỏa thuận chính thức sẽ có "trong vài ngày tới".
Đức cho biết sẽ tuân theo thỏa thuận đã được đàm phán chặt chẽ mặc dù trước đó họ phản đối vì cho là quá khắc nghiệt đối với một số nhóm người di cư.
Theo France24, thỏa thuận mới về di cư và tị nạn sẽ giúp giảm bớt áp lực lên các quốc gia tuyến đầu như Ý và Hy Lạp khi một số người tị nạn được chuyển sang các quốc gia EU khác. Đồng thời, các nước phản đối việc tiếp nhận người tị nạn như Ba Lan và Hungary sẽ phải trả tiền cho những quốc gia tiếp nhận người di cư. EU cũng tìm cách đẩy nhanh quá trình xử lý đơn xin tị nạn để những người di cư không được chấp nhận sẽ được đưa về nước họ hoặc nơi họ quá cảnh. Thời gian giam giữ tối đa đối với người di cư ở các trung tâm biên giới cũng sẽ được kéo dài so với 12 tuần như hiện tại.
Các nhà phân tích đánh giá một phần của thỏa thuận này là để các nước EU cùng hành động nếu phải đối mặt với làn sóng người tị nạn lớn đột ngột đổ vào châu Âu như đã từng xảy ra vào giai đoạn 2015 - 2016, khi hàng trăm nghìn người chủ yếu là người Syria di cư đến châu Âu.
Ngày 29.9, chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Nội vụ các nước thành viên EU đạt được bước tiến trong việc đề ra các quy định mới về việc đối phó với làn sóng nhập cư trái phép, lãnh đạo 9 nước Địa Trung Hải và Nam Âu (gồm Croatia, Cyprus, Pháp, Hy Lạp, Ý, Malta, Bồ Đào Nha, Slovenia và Tây Ban Nha) đã cùng nhóm họp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Hội nghị "Med9" tại Malta để thảo luận vấn đề người di cư. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã đạt được nhiều đồng thuận, trong đó nhất trí thúc giục việc áp dụng nhanh chóng Hiệp ước Di cư và Tị nạn sửa đổi, đồng thời nhấn mạnh rằng giải quyết tình trạng di cư bất hợp pháp cần phải có "một phản ứng bền vững và toàn diện của châu Âu".
Hồi tuần trước, Ủy ban châu Âu cũng cho biết đang chuẩn bị cung cấp đợt tài trợ đầu tiên cho Tunisia - một trong những điểm khởi đầu chính của các tàu thuyền của người di cư - nhằm tăng cường năng lực cho lực lượng bảo vệ bờ biển và giải quyết nạn buôn người.
Thực tế cho thấy trong khi EU gần như đều đạt đồng thuận trong hầu hết các vấn đề quốc tế nóng nhưng cho đến nay họ vẫn chưa thể đạt được đồng thuận lâu dài và hiệu quả về vấn đề di cư. Việc hàng người tị nạn đến từ châu Phi tràn ngập trên đảo Lampedusa của Ý vừa qua là hồi chuông cảnh báo, thúc đẩy EU cần phải có các sửa đổi chính sách để đối phó với tình trạng này. Tương lai của châu Âu phụ thuộc vào khả năng giải quyết những thách thức mang tính thời đại và thách thức về người di cư là một trong số đó.